Việt Nam luôn nằm trong top các quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm đáng báo động. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng toàn cầu về ô nhiễm không khí với nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình vượt 5,4 lần so với ngưỡng khuyến cáo của WHO. Chỉ tính riêng những ngày đầu tháng 6 vừa qua, theo số đo của ứng dụng IQ Air tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ô nhiễm không khí tại nhiều thời điểm trong ngày đã vượt 150 US AQI, tức đang ở mức “thiếu lành mạnh” [1]. Đây được coi là yếu tố thuận lợi hàng đầu khiến cho bệnh viêm mũi dị ứng khởi phát và tăng nặng ở nhiều bệnh nhân.
Viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mức của cơ thể tại mũi khi hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng) như phấn hoa, lông động vật, bụi nhà, nấm mốc… [7] Những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ ngay lập tức được kích hoạt để chống lại các tác nhân gây hại này [8].
Mũi là bộ phận “tiền tiêu’ sẽ “xuất chiêu’ phản ứng phòng vệ, tuy nhiên, ở những người có “cơ địa dị ứng’ thì mức độ “chống trả’ trở nên “thái quá’, gây ra các phản ứng điển hình là ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, đỏ mắt, ngứa mắt. Phản ứng này nhiều khi không chỉ xảy ra ở niêm mạc mũi mà còn ở cả niêm mạc phế quản, gây khò khè, khó thở [7]. Do những triệu chứng của viêm mũi dị ứng gần giống như cảm lạnh, cảm cúm, COVID-19 nên đôi khi hay bị nhầm lẫn, tuy nhiên, khác với các bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp, viêm mũi dị ứng là do cơ địa, không do virus nên thường không sốt và không lây nhiễm [9].
Ở Việt Nam, theo điều tra của Khoa Dị ứng – Miễn dịch Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương thì viêm mũi dị ứng chiếm 32,2% trong các bệnh về tai mũi họng [2]. Tuy lành tính nhưng viêm mũi dị ứng kéo dài gây khó chịu, mệt mỏi, làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.
Để hạn chế việc hít phải khí độc (NO2, SO2, CO, O3) và bụi mịn trong không khí ô nhiễm, tránh cho niêm mạc hô hấp bị kích thích mà tăng nhạy cảm với dị nguyên, nhằm kiểm soát tốt hơn các cơn viêm mũi dị ứng thì người bệnh cần chú ý chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà với 5 mẹo chăm sóc sau:
1. Hạn chế đi vào các khu vực được dự báo ô nhiễm không khí [7]
Ô nhiễm không khí làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm mũi dị ứng
Hiện có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại giúp bạn theo dõi chất lượng không khí tại khu vực mình đang ở. Các ứng dụng cho phép bạn kiểm tra mức độ ô nhiễm tại bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào, thậm chí còn giúp bạn dự đoán thời tiết và chất lượng không khí ở cả tuần tiếp theo. Bạn nên tận dụng các nguồn thông tin có sẵn này để hạn chế tiếp xúc với các khu vực có ô nhiễm không khí cao khi không cần thiết. Nếu buộc phải ra đường, hãy bảo vệ mũi, miệng, mắt bằng cách sử dụng khẩu trang và kính khi ra khỏi nhà.
2. Làm vệ sinh định kỳ khu vực sinh hoạt [7]
Trong số những dị nguyên phổ biến thì chỉ có phấn hoa là ở ngoài trời, các tác nhân còn lại đều tồn tại trong nhà. Chúng ta, hầu hết mỗi người đều dành tới hơn một nửa thời gian mỗi ngày để “ngự tại gia’. Không khí trong nhà có trong lành thì sức khỏe mới được đảm bảo.
Bên cạnh việc lau chùi dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, nên chú ý tới những khu vực “nhạy cảm’ thiếu sáng, thiếu thông khí, luôn ẩm ướt như các góc khuất, chỗ dễ bám bụi, bồn rửa, nhà vệ sinh, bồn tắm, quạt gió, máy lạnh, giường nệm để tránh bụi nhà tồn lưu và tránh nấm mốc phát triển. Ngoài ra, bạn hãy mở cửa sổ, ban công để không khí được lưu thông hoặc sử dụng các loại máy lọc không khí để giảm thiểu bụi mịn và các tác nhân gây hại.
Nếu gia đình có người mang cơ địa dị ứng mà nuôi thú cưng như chó, mèo thì nên hạn chế tiếp xúc hoặc ngừng nuôi. Vệ sinh thật kỹ sofa, chăn, mền, rèm, thảm để loại bỏ lông động vật bám dính.
3. Rửa mũi và duy trì độ ẩm [3]
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn, dịch nhầy tích tụ trong mũi. Bạn có thể xông mũi bằng hơi nước ấm với tinh dầu bạc hà mỗi khi trở về nhà để làm thông mũi, làm dịu niêm mạc mũi, giảm triệu chứng hắt xì và chảy mũi. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì độ ẩm cần thiết trong nhà bằng các loại máy phun sương hoặc đặt một bát nước trong phòng ngủ để giảm bớt tình trạng khô mũi vào ban đêm.
4. Tăng cường vitamin C và các thực phẩm kháng histamin tự nhiên [3], [4]
Với đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa, vitamin C rất tốt cho việc cải thiện viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C thường có trong cam, chanh, cà rốt, ớt chuông, bưởi…
Bạn cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu Omega 3 giúp làm giảm phù nề đường hô hấp trên. Các loại gia vị có tính ấm như hành, tỏi, gừng… hoặc các loại tinh dầu tràm, bạc hà, bạch đàn cũng là những “vũ khí’ truyền thống được dân gian sử dụng trong “cuộc chiến’ với viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, khi xảy ra phản ứng dị ứng, các chất trung gian hóa học gây viêm được phóng thích mà điển hình là histamin, khởi tạo những triệu chứng khó chịu. Do đó, người bệnh nên bổ sung thêm các thực phẩm mang tính “kháng histamin’ tự nhiên như táo, gừng, dưa hấu, khoai lang và đặc biệt là củ nghệ rất hữu ích để giảm triệu chứng khó chịu này.
5. Trang bị thuốc kháng histamin thế hệ 2 [5]
Một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 (fexofenadine, loratadin, cetirizine…) có tác dụng làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa và đỏ mắt, chảy nước mắt. Đây là những hoạt chất chống dị ứng được khuyến nghị bởi các bác sĩ, dành cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Thuốc thường có tác dụng sau 1 giờ uống và duy trì hiệu lực trong vòng 24 tiếng, không gây buồn ngủ cho người bệnh.
Các loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 có khả năng làm giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng
Bệnh dị ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường môi trường cũng là vấn đề trọng tâm được đề cập trong Tuần lễ Phòng chống Dị ứng Thế giới (World Allergy Week) diễn ra từ 18 – 24/6/2023 [6]. Đối mặt với nguy cơ không khí bị ô nhiễm càng ngày càng nặng, hy vọng qua bài viết trên, những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng sẽ tìm ra được những giải pháp điều trị viêm mũi dị ứng phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe, hạn chế sự khởi phát và tác động tiêu cực của bệnh đến chất lượng cuộc sống.
[embed-health-tool-bmr]Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.