Rối loạn lo âu xã hội (ám sợ xã hội) – Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Rối loạn lo âu xã hội (ám sợ xã hội) - Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam (2023), cả nước có đến 14 triệu người mắc các rối loạn tâm thần, trong đó bao gồm nhiều loại rối loạn khác nhau như trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn phổ loạn thần, rối loạn lo âu (xã hội)…

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về rối loạn lo âu xã hội, một dạng rối loạn phổ biến có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Nội dung bài viết sẽ đi từ tổng quát đến chi tiết, giúp bạn hiểu được khái niệm rối loạn lo âu xã hội là gì, nhận diện triệu chứng, thông tin chẩn đoán, cách điều trị và hiểu rõ hơn thông qua các ví dụ.

Rối loạn lo âu xã hội là gì?

Rối loạn lo âu xã hội / Ám (ảnh) sợ xã hội (Social anxiety disorder/Social phobia) là tình trạng tâm lý đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng quá mức về các tình huống xã hội khi họ có thể bị giám sát bởi người khác. Những người mắc chứng này thường lo sợ việc bị đánh giá, chỉ trích và xấu hổ trước mặt người khác. Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với tính cách nhút nhát và ngại ngùng, nhưng nó khác và có mức độ nghiêm trọng hơn vì nó gây ảnh hưởng đến đến chức năng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một số tình huống kích hoạt nỗi sợ và lo lắng của người mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội:

  • Hẹn hò, gặp gỡ người mới
  • Nhận hoặc gọi điện thoại
  • Sử dụng các dịch vụ công cộng
  • Ăn uống trước mặt nhiều người
  • Thuyết trình, biểu diễn, trả lời câu hỏi trước đám đông.

Ví dụ

Một người mắc rối loạn lo âu xã hội sẽ cảm thấy cực kỳ lo lắng khi phải thuyết trình trước đám đông. Trước khi buổi thuyết trình diễn ra, họ có thể mất ngủ nhiều đêm liền, buồn nôn và thậm chí là tìm lý do để né tránh tình huống. Khi đứng trước đám đông, họ sẽ đổ mồ hôi, run rẩy, tim đập nhanh. Những triệu chứng này mạnh đến mức khiến họ không thể hoàn thành bài thuyết trình (bỏ ngang) hoặc hoành thành không tốt (rút ngắn, làm cho xong).

Triệu chứng của hội chứng ám sợ xã hội

TheoTrang thông tin Y học Yale – Yale Medicine, khi ở trong các tình huống xã hội, cá nhân mắc hội chứng social anxiety disorder sẽ xuất hiện các triệu chứng sinh lý (cơ thể) sau:

  • Đỏ mặt
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Tăng nhịp tim
  • Chóng mặt
  • Đau ngực
  • Thở hụt hơi, mắc nghẹn.

Những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội còn có những biểu hiện hành vi sau, khi họ ở trong các tình huống xã hội:

  • Trở nên tự ti, rụt rè
  • Tránh giao tiếp bằng mắt
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp
  • Nói với giọng rất trầm, nói nhỏ
  • Không thể thư giãn do quá lo lắng và cứng nhắc
  • Luôn nghĩ người khác sẽ phán xét, chỉ trích và tập trung vào mình.

Ngoài ra, đôi khi không cần đến các tình huống xã hội mới khiến họ cảm thấy lo lắng, vì khi họ tự dự đoán về một tình huống nào đó cũng đủ để khiến cho các triệu chứng xuất hiện. Ví dụ, trong một buổi sự kiện đông người, họ tự dự đoán rằng mọi người sẽ phán xét và đánh giá họ sau khi họ phát biểu; dòng suy nghĩ này cứ được kể đi kể lại trong tâm trí và khiến họ cảm thấy sợ hãi, không muốn tham gia vào các sự kiện tương tự trong tương lai.

Nguyên nhân rối loạn lo âu xã hội

TheoViện sức khỏe Tâm thần Quốc gia – National Institute of Mental Health nhận định, nguyên nhân khiến một người mắc rối loạn lo âu xã hội là không rõ, do đó các nhà nghiên cứu bắt đầu khoanh vùng vào các tác nhân khác nhau như chất dẫn truyền thần kinh, di truyền, quá trình tương tác trong môi trường sống, các sang chấn tâm lý…

Rối loạn lo âu xã hội không phải là hiếm. Khoảng 5 -10% người dân trên thế giới mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Đây là tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến thứ ba sau rối loạn sử dụng chất gây nghiện vàtrầm cảm.

Chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội

Để chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội, chuyên gia tâm lý (tâm lý gia) hoặc bác sĩ tâm thần sẽ dựa trên Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần(DSM-5 TR) do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ – APA xuất bản.

Tiêu chí chẩn đoán rối loạn lo âu theo DSM-5:

  • A. Sợ hãi hoặc lo âu đáng kể với một hoặc nhiều tình huống xã hội phải tiếp xúc và có thể bị xem xét kỹ lưỡng bởi người khác (tương tác xã hội, bị quan sát, trình diễn…).
  • B. Sợ bị đánh giá tiêu cực bởi hành động mà họ sẽ thực hiện hay khi biểu hiện các triệu chứng lo âu.
  • C. Các tình huống xã hội gần như luôn luôn kích hoạt lo sợ.
  • D. Né tránh các tình huống xã hội hoặc phải chịu đựng với sự sợ hãi hay lo âu.
  • E. Nỗi lo không tương ứng với mức độ nguy hiểm của tình huống thực tế.
  • F. Tình trạng đã kéo dài ít nhất 6 tháng.
  • G. Gây căng thẳng hoặc suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác.
  • H. Không do tác động của thuốc, của chất kích thích hoặc các vấn đề y khoa và các rối loạn tâm thần khác.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt được áp dụng để các bác sĩ tâm thần có thể phân loại và khoanh vùng chính xác tình trạng của bệnh nhân trước khi đưa ra chẩn đoán. Các rối loạn tâm thần khác có triệu chứng tương tự với rối loạn lo âu xã hội bao gồm:

  • Sự xấu hổ thông thường.
  • Ám ảnh sợ khoảng trống.
  • Rối loạn hoảng sợ.
  • Rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Rối loạn lo âu chia ly.
  • Ám ảnh sợ chuyên biệt.
  • Câm chọn lọc. (Mất nói chọn lọc)
  • Rối loạn trầm cảm chủ yếu.
  • Rối loạn dị dạng cơ thể.
  • Rối loạn hoang tưởng.
  • Rối loạn phổ tự kỷ.
  • Các rối loạn nhân cách.
  • Các rối loạn tâm thần khác.
  • Các bệnh lý y khoa khác.
  • Rối loạn hành vi chống đối.

Điều trị rối loạn lo âu xã hội

Rối loạn lo âu xã hội thường được điều trị bằng Liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi (CBT) hoặc sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI).

Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp CBT

Một trong các liệu pháp tâm lý được sử dụng để điều trị bệnh rối loạn lo âu xã hội làLiệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Tâm lý gia có thể giúp người bệnh thay đổi lối suy nghĩ và các kiểu hành vi hiện tại, thông qua việc đặt câu hỏi và các kỹ năng chuyên môn.

Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là giúp người bệnh tăng khả năng nhận biết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân; từ đó giúp họ kiểm soát và điều chỉnh tốt hơn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ được hướng dẫn cách đối mặt với các tình huống gây căng thẳng, lo lắng tốt hơn.

Thuốc SSRI và thuốc chẹn beta

Dựa trên kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị, bác sĩ tâm thầm có thể kê đơn thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội cho bệnh nhân với các loại thuốc như:

  • Thuốc chẹn beta, các loại thuốc có thể được kê đơn như: Propranolol hoặc metoprolol.
  • Thuốc chống lo âu, chẳng hạn như thuốc benzodiazepin. Các loại thuốc thường được sử dụng trong thời gian ngắn bao gồm: Lorazepam hoặc alprazolam. Các loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của chuyên gia. 
  • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI). Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: fluoxetine, sertraline, paroxetine , citalopram và escitalopram, venlafaxine hoặc duloxetine.
Trên thực tế, đôi khi việc sử dụng thuốc có thể sẽ chưa phù hợp với bệnh trạng của bạn ở thời điểm chẩn đoán cũng như chưa mang lại hiệu quả. Do đó, trong một vài trường hợp có thể sẽ cần một khoảng thời gian để tìm ra liệu trình và loại thuốc phù hợp với tình trạng của bạn.

Phòng ngừa rối loạn lo âu xã hội

Vì chưa thể xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng là do đâu, các chuyên gia khuyến khích chúng ta nên bảo vệ và chăm sóc bản thân thật tốt, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Những việc mà bạn nên làm:

  • Hạn chế uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.
  • Hướng đến cuộc sống cân bằng –Work life balance.
  • Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần
  • Xây dựngchế độ ăn uống lành mạnh.
  • Thực hành chánh niệm hoặc thiền.

Dưới đây là một số rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Di truyền, trong gia đình từng có người mắc bệnh.
  • Cá nhân từng trải qua cácsang chấn tâm lý, bị bạo hạnh, bịlạm dụng tình dục
  • Cá nhân có mắc một rối loạn khác như trầm cảm,nghiện chất kích thích.

Khi nào cần gặp chuyên gia / bác sĩ?

Theo khuyến nghị củaDịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh – NHS, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý khi các triệu chứng (nêu trên) bắt đầu gây ảnh hưởng, thậm chí là làm gián đoạn cuộc sống của bạn. Biết rằng, bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc nhận sự giúp đỡ, tuy nhiên các chuyên gia tâm lý sẽ biết cách hỗ trợ bạn.
Rối loạn lo âu xã hội là gì
Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì bạn nên đến gặp bác sĩ / chuyên gia để được hỗ trợ.

Câu hỏi thường gặp

Phân biệt giữa rối loạn lo âu xã hội và nhút nhát (rụt rè)

Các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội sẽ khiến bạn không muốn tham gia vào các tình huống xã hội và một người có tính cách nhút nhát cũng có biểu hiện tương tự. Chính vì điểm chung này mà nhiều người thường nhầm lẫn. Tuy nhiên, người có tính cách nhút nhát sẽ không trải qua các triệu chứng như một người mắc chứng ám sợ xã hội.

Điểm khác biệt giữa chứng lo âu xã hội và tính cách nhút nhát là: Nhút nhát là tính cách chứ không phải là triệu chứng của bệnh, nên không gây ra cảm giác căng thẳng và lo âu dữ dội.

Rối loạn lo âu xã hội có chữa được không?

Rối loạn lo âu xã hội có thể được điều trị khỏi bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, hoặc sử dụng thuốc kê đơn, hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp đây là một tình trạng sức khỏe tâm thần mạn tính nên có thể sẽ tái phát.

Gợi ý bài test rối loạn lo âu xã hội

Để đảm bảo tính chính xác của kết quả khi thực hiện test và sử dụng đúng công cụ test, tốt nhất là bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được thực hiện. Sau đây, HelloBacsi sẽ gợi ý cho bạn một bài test rối loạn lo âu xã hội bằng Tiếng Anh, được đăng tải trênTrang tâm lý học ngày nay – Psychology Today. Bạn thực hiện testở đây!

Kết luận

Rối loạn lo âu xã hội hay ám ảnh sợ xã hội là một rối loạn có thể khởi phát ở độ tuổi vị thành niên và là một rối loạn dai dẳng, mất nhiều thời gian điều trị. Do đó, ngoài việc nâng cao sức khỏe, bạn cũng nên tham gia và tăng cường tương tác xã hội để giảm rủi ro mắc phải hội chứng này; mặc dù không phải cứ tương tác xã hội là sẽ không bị rối loạn lo âu xã hội.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu thêm về chứng rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder). Trường hợp, bạn có người thân, bạn bè hoặc bạn biết ai đó đang gặp khó khăn với tình trạng rối loạn lo âu xã hội, bạn có thể gợi ý để họ tìm đến các trung tâm y tế hoặc các chuyên gia tâm lý và bác sĩ để hỗ trợ họ càng sớm càng tốt.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề, bạn có thể vàoChuyên mục Tâm lý – Tâm thần trên website của HelloBacsi hoặc tham giaCộng đồng Sức khỏe tinh thần để chia sẻ thêm nhiều thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe tinh thần nhé.

[embed-health-tool-bmi]
 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo