Sử dụng thuốc tan cục máu đôngở bệnh nhân tim mạch kịp thời và phù hợp trong trường hợp người bệnh bị đột quỵ thiếu máu não cấp và cơn đau tim mang lại hiệu quả ngoạn mục, giúp người bệnh tránh khỏi các di chứng do tổn thương não không hồi phục như: yếu liệt tay chân, liệt mặt, mất khả năng nói,…; hoặc di chứng do tổn thương tim không hồi phục như: suy tim mạn tính, rối loạn nhịp tim,…; thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, việc dùng thuốc tan cục máu đông cũng có thể gây ra các biến chứng nặng, trong đó đáng chú ý nhất là gây ra tình trạng chảy máu nặng như: chảy máu não, chảy máu tiêu hóa, …
Vì vậy, việc nhận thức rõ tầm quan trọng của thuốc tan cục máu đông cũng như tác dụng phụ khi dùng, giúp cho việc sử dụng của thuốc này được thực hiện kịp thời, mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh bị đột quỵ thiếu máu não cấp và cơn đau tim.
1. Thuốc tan cục máu đông ở bệnh nhân tim mạch là gì?
Thuốc tan cục máu đông, còn được biết đến với tên gọi là thuốc tiêu sợi huyết, là một loại thuốc tim mạch được dùng trong bệnh viện, được dùng thông qua đường truyền tĩnh mạch, có tác dụng phá vỡ cục máu đông đang gây tắc nghẽn động mạch (não, tim), giúp tái lập lại dòng chảy bình thường trong lòng động mạch.
Đột quỵ thiếu máu não cấp (hay nhồi máu não cấp) và cơn đau tim (hay nhồi máu cơ tim cấp) là hai bệnh chính cần được sử dụng thuốc tan cục máu đông.
Thuốc tan cục máu đông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cần có kiểm soát chặt chẽ và theo dõi sát của các bác sĩ chuyên khoa, nhằm tối đa hóa lợi ích và đồng thời giảm thiểu rủi ro từ việc sử dụng loại thuốc này.
2. Thuốc tan cục máu đông được sử dụng khi nào?
Thuốc tan cục máu đông ở bệnh nhân tim mạch được sử dụng khi xuất hiện triệu chứng đau tim và đột quỵ thiếu máu não cấp.
Khi được đưa vào cơ thể thì thuốc sẽ có các tác dụng như sau:
- Ngăn ngừa tổn thương lan rộng của cơn đau tim (hay nhồi máu cơ tim cấp).
- Ngăn chặn tổn thương lan rộng của đột quỵ thiếu máu não cấp (hay nhồi máu não cấp).
- Phá vỡ các cục máu đông ở các mạch máu khác trong cơ thể.
Một số loại thuốc tan cục máu đông ví dụ như:
- Tissue plasminogen activator (tPA)
- Tenecteplase
- Alteplase
- Urokinase
- Reteplase
- Streptokinase
Điều quan trọng nhất, chúng ta nên tìm hiểu thêm về các triệu chứng đột quỵ và đau tim để có thể nhanh chóng liên lạc đến cơ quan y tế gần nhất nhằm điều trị nhanh chóng, giúp lưu lượng máu phục hồi và ngăn ngừa các tổn thương hoặc thậm chí là tử vong.
3. Những bệnh nhân nào không nên dùng thuốc tan cục máu đông?
Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc làm tan cục máu đông nếu xuất hiện bất kỳ tình trạng nào dưới đây:
- Đột quỵ xuất huyết não trước đó hoặc xuất huyết trong não do nguyên nhân khác.
- Xuất hiện tổn thương mạch máu não hoặc khối u
- Đã từng xuất hiện dị ứng với thuốc làm tan cục máu đông hoặc những dị ứng khác.
- Đang bị xuất huyết (không tính xuất huyết khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt).
- Đang mang thai
- Huyết áp cao không kiểm soát được
- Bị bệnh máu khó đông
- Bệnh gan nặng
- Đã từng phẫu thuật trong vòng 2 tuần gần đây
- Chấn thương, té ngã hoặc bị đánh vào đầu trong vòng 3 tháng gần đây
- Đang bị loét dạ dày.
4. Khi dùng thuốc tan cục máu đông ở bệnh nhân tim mạch cần tránh gì?
Trước khi sử dụng thuốc tan máu đông thì bệnh nhân tim mạch cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bao gồm thuốc không kê đơn, thuốc thảo được hoặc các thực phẩm bổ sung hay Vitamin mà bạn đang dùng. Một số thuốc cần lưu ý trước khi dùng thuốc tan cục máu đông:
- Thuốc làm loãng máu như Warfarin hoặc Coumadin
- Thuốc chống viêm hoặc thuốc giảm đau như acetaminophen và ibuprofen
Cần thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đã dùng thuốc làm tan cục máu đông trong vòng 6 tháng qua. Một số loại thuốc tiêu huyết khối không thể dùng lần thứ hai trong vòng 6 tháng gần nhất.
5. Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tan cục máu đông ở bệnh nhân tim mạch là gì?
Tương tự như các loại thuốc khác, thuốc tan cục máu đông ở bệnh nhân tim mạch có các tác dụng cần lưu ý. Hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ của bạn nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Chảy máu không ngừng hoặc rỉ dịch từ vết cắt hoặc xung quanh nơi tiêm thuốc.
- Dị ứng.
- Sốt cao.
- Huyết áp thấp.
- Xuất hiện dấu hiệu xuất huyết từ các vị trí khác trong cơ thể ví dụ như máu trong nước tiểu, phân có màu đen, chảy máu cam hoặc chảy máu nướu răng.
- Cảm thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.