1. Lý do nên lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính không thể điều trị triệt để, ngược lại, bệnh có xu hướng tăng dần theo thời gian với những biến chứng phức tạp và nguy hiểm. Nếu không được theo dõi và chăm sóc, bệnh nhân cao huyết áp sẽ đối mặt với những tổn thương ở tim, não, thận hay thậm chí là đột quỵ, tử vong.
Chính vì vậy, việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp là rất cần thiết. Cụ thể, mục tiêu của bản kế hoạch là nhằm:
- Kiểm soát và duy trì chỉ số huyết áp của người bệnh ở mức an toàn.
- Phòng tránh, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra khi chỉ số huyết áp tăng.
- Nếu có biến chứng thì cũng phát hiện và điều trị kịp thời.
- Tránh những tình huống tăng huyết áp đột ngột, khó kiểm soát và cấp cứu.
- Tránh tình trạng kháng thuốc, huyết áp vẫn cao dù đã dùng thuốc.
- Tìm được liều thuốc thấp nhất để duy trì huyết áp ở mức trung bình.
- Xây dựng cho người bệnh một lối sống khoa học, lành mạnh, điều độ.
2. Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp cần có sự trao đổi, kết hợp giữa bác sĩ điều trị với người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, đảm bảo người bệnh cảm thấy thoải mái, vui vẻ, không bị gò bó hay khó chịu khi thực hiện các “hạng mục” trong bản kế hoạch.
2.1 Theo dõi huyết áp tại nhà
Gia đình cần trang bị máy đo huyết áp điện tử bởi bệnh nhân cao huyết áp cần được kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên, ít nhất là 2 lần/ ngày. Đặc biệt, nếu xuất hiện các cơn đau đầu, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh,… thì cần đo huyết áp “ngay và luôn”.
2.2 Tái khám đúng lịch trình
Người bị cao huyết áp cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ. Mục đích của việc tái khám là để bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị. Đặc biệt, kịp thời phát hiện các biến chứng của cao huyết áp để can thiệp tích cực, tránh nguy hiểm.
2.3 Thực hiện theo y lệnh của bác sĩ
Ở đây được hiểu là sử dụng thuốc uống và thuốc tiêm đúng chỉ định. Ngoài ra, nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào trong khi dùng thuốc, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Bên cạnh dùng thuốc, người bị cao huyết áp nên thực hiện các xét nghiệm quan trọng trong quá trình điều trị. Những xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi, soi đáy mắt,…
2.4 Xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp
Với những người mắc bệnh mãn tính, chế độ ăn uống hàng ngày cần được chú trọng để tránh làm bệnh khởi phát. Thực đơn của người bị cao huyết áp cần đảm bảo:
- Hạn chế đường, muối và mỡ động vật.
- Cắt giảm hay tốt nhất là không tiêu thụ rượu bia, nước ngọt có ga,…
- Ưu tiên rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu, cá hồi, cá ngừ,…
- Tránh tiêu thụ thịt đỏ, nội tạng động vật, thực phẩm đóng hộp,…
2.5 Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý
Đây cũng là một trong những việc quan trọng khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp bởi tình trạng tăng huyết áp rất dễ xảy ra với những người thừa cân, béo phì. Để kiểm soát và duy trì cân nặng ở mức hợp lý, người bệnh cần chú ý:
- Trong chế độ ăn cần cắt giảm tinh bột đường và mỡ động vật.
- Không ăn tối trễ, sau 19 giờ.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
- Uống trà xanh, nước ép khổ qua, nước chanh mật ong để vừa giảm cân, vừa tăng cường miễn dịch.
2.6 Vận động, tập luyện mỗi ngày
Ngay cả khi khỏe mạnh bình thường, việc tập luyện và vận động mỗi ngày cũng rất quan trọng. Đối với bệnh nhân cao huyết áp, hãy duy trì thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày với những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. Thời gian tập lý tưởng là 30 – 45 phút/ ngày. Tập luyện giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
2.7 Tránh xa thuốc lá, chất kích thích
Thuốc lá và chất kích thích sẽ làm hệ giao cảm hoạt động mạnh mẽ, tạo cảm giác hưng phấn, khoan khoái, kèm theo đó là tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng cao. Nếu không kiểm soát sẽ khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng. Do đó, để tránh bị tăng huyết áp và nguy hiểm cho sức khỏe, người bệnh cẩn nói không với thuốc lá và chất kích thích.
2.8 Suy nghĩ tích cực, lạc quan
Trong điều trị bệnh, tinh thần đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Người bệnh cần chú ý giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ; tránh làm việc quá sức khiến bản thân luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Nếu bị rối loạn lo âu, mất ngủ, cần chủ động chia sẻ với người thân để được động viên, chăm sóc.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.