Ức chế miễn dịch là gì là vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm và tìm hiểu bởi tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (bao gồm do thuốc hoặc các nguyên nhân y tế) và có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ức chế miễn dịch là gì?
Ức chế miễn dịch là trạng thái mà khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể giảm sút so với bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm các bệnh lý cụ thể hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, một số thủ thuật y tế cũng có khả năng dẫn đến tình trạng này.
Hệ thống miễn dịch bao gồm các tế bào, mô và cơ quan có vai trò quan trọng trong quá trình ngăn chặn nhiễm trùng trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm, các bệnh nhiễm trùng mà cơ thể vốn có khả năng kiểm soát được lại trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí là gây tử vong.
Ngoài tìm hiểu ức chế miễn dịch là gì, phần tiếp theo của bài viết sẽ giúp chúng ta xác định các nguyên nhân gây ức chế miễn dịch.
2. Thuốc ức chế miễn dịch là gì và một số loại thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ức chế các phần cụ thể trong hệ thống miễn dịch hoặc làm giảm khả năng hoạt động của toàn bộ hệ thống miễn dịch.
Các loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh viêm và bệnh tự miễn, cũng như để ngăn chặn quá trình đào thải mô trong các ca ghép tạng.
Một số loại thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:
2.1 Corticosteroid
Corticosteroid thường được gọi là steroid, được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như uống, bôi, hít và tiêm tĩnh mạch nhằm giảm các phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Do thuốc có khả năng giảm viêm nên steroid thường được chỉ định để điều trị nhiều loại rối loạn khác nhau, bao gồm:
- Bệnh dị ứng như viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng và sốc phản vệ.
- Các bệnh tự miễn dịch như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp và viêm mạch.
- Rối loạn về máu như thiếu máu tán huyết, ung thư hạch và bệnh bạch cầu.
- Rối loạn nội tiết như bệnh Addison.
- Các tình trạng viêm mắt như viêm màng bồ đào và viêm dây thần kinh thị giác.
- Các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Quá trình sử dụng corticosteroid ở liều cao thường đi kèm với nguy cơ ức chế miễn dịch, ví dụ như bệnh nấm candida (tưa miệng) ở những người sử dụng steroid dạng hít.
Những người dùng prednisone (một loại steroid phổ biến) trong thời gian dài có nguy cơ cao mắc các loại nhiễm trùng từ vi khuẩn, virus và nấm.
2.2 Thuốc hóa trị
Phương pháp hóa trị được áp dụng để thu nhỏ tế bào ung thư và hỗ trợ bệnh nhân ung thư giảm nhẹ các triệu chứng.
Các loại thuốc hóa trị đặc biệt nhắm vào những tế bào có khả năng tái tạo nhanh chóng, bao gồm tế bào ung thư và các tế bào trong tóc, da và hệ tiêu hóa. Chính vì thế, hoá trị có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như rụng tóc, viêm niêm mạc, buồn nôn và nôn mửa.
Một loại tế bào có khả năng nhân bản nhanh khác là tế bào tủy xương, chịu trách nhiệm sản xuất các tế bào máu chống lại nhiễm trùng. Khi tủy xương bị ức chế, những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
2.3 Kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là những protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm để mô phỏng các kháng thể tự nhiên trong cơ thể, nhằm chống lại các loại bệnh. Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong việc điều trị cho nhiều loại bệnh, bao gồm:
- Các bệnh rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và bệnh đa xơ cứng (MS).
- Ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư não, ung thư đại trực tràng, ung thư hạch không Hodgkin (NHL) và bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL).
- Các rối loạn gây ra bởi virus như bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (PML) và chứng bất sản hồng cầu đơn thuần (PRCA).
Tuy nhiên, do khả năng làm thay đổi chức năng bình thường của hệ thống miễn dịch, các kháng thể đơn dòng thường gây ra sự mất cân bằng trong các tế bào miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thực tế, một số loại kháng thể đơn dòng cụ thể có liên quan với việc tăng nguy cơ nhiễm trùng.
2.4 Thuốc ức chế TNF
Các loại thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF-α) được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, bệnh vẩy nến mảng bám, viêm cột sống dính khớp, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
Tuy nhiên, tác dụng ức chế miễn dịch của các loại thuốc này làm tăng nguy cơ mắc các loại nhiễm trùng cơ hội – những bệnh nhiễm trùng mà hệ thống miễn dịch bình thường có khả năng kiểm soát, nhưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu hệ thống miễn dịch bị ức chế. Các loại thuốc ức chế TNF-α thường được kê đơn bao gồm:
- Cimzia (certolizumab pegol).
- Enbrel (etanercept).
- Humira (adalimumab).
- Remicade (infliximab).
- Simponi (golimumab).
3. Một số loại bệnh gây ức chế miễn dịch
Tình trạng suy giảm chức năng miễn dịch tạm thời có thể bắt nguồn từ nhiều loại bệnh nhiễm trùng phổ biến như cúm và bệnh bạch cầu đơn nhân, gây ra tình trạng suy giảm trong hệ thống phản ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, khi các tế bào miễn dịch hoặc các thành phần khác của hệ thống này trở thành mục tiêu bị nhiễm trùng, tình trạng ức chế miễn dịch nghiêm trọng có thể xuất hiện. Vậy, các nguyên nhân y tế gây ức chế miễn dịch là gì?
3.1 HIV
Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở con người bằng cách tấn công các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho T CD4 – tế bào có trách nhiệm truyền tín hiệu và điều chỉnh phản ứng miễn dịch.
Khi số lượng tế bào T CD4 giảm dần, cơ thể trở nên dễ tổn thương hơn trước các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Mức độ suy giảm này được đánh giá thông qua xét nghiệm máu đo lường số lượng CD4.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội bao gồm bệnh nấm candida, cầu trùng, bệnh nấm Cryptococcosis, bệnh ung thư Kaposi, lao, viêm phổi do Pneumocystis jiroveci…
3.2 Suy giảm miễn dịch nguyên phát
Suy giảm miễn dịch nguyên phát (PID) là một tình trạng hiếm gặp. Mặc dù ít phổ biến nhưng có hơn 300 loại PID khác nhau đã được xác định, mỗi loại ảnh hưởng đến các khía cạnh riêng biệt của hệ thống miễn dịch, bao gồm:
- Bệnh u hạt mãn tính
- Suy giảm miễn dịch biến thiên phổ biến (CVID)
- Thiếu hụt miễn dịch kết hợp nghiêm trọng
Trong các trường hợp PID, hệ thống miễn dịch thường không thể tạo ra đủ tế bào miễn dịch, chẳng hạn như tế bào B hoặc tế bào T để kích hoạt phản ứng miễn dịch một cách hiệu quả.
Thông thường, PID được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ và có xu hướng tiến triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở độ tuổi lớn hơn. Các loại nhiễm trùng phổ biến ở những người mắc PID thay đổi tùy theo loại tế bào miễn dịch bị ảnh hưởng.
Nhìn chung, ức chế miễn dịch là gì là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu cũng như người bệnh quan tâm bởi hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong quá trình ngăn chặn nhiễm trùng trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.