Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao, gây bệnh gì? Cách nhận biết?

Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao, gây bệnh gì? Cách nhận biết?

Vi khuẩn tụ cầu vàng sinh trưởng và phát triển trên da và niêm mạc mũi người một cách tự nhiên. Khi xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết xước trên da, tụ cầu vàng gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng.

Sáng ngày 23/5/2023, thông tin về 76 trẻ mầm non ngộ độc do sữa chua nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng xảy ra tại Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Bởi sữa chua là món ăn vặt phổ biến trong nhiều trường học và gia đình. Vậy vi khuẩn  tụ cầu vàng là gì, nguy hiểm như thế nào, làm sao để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm? Hãy cùng Bác sĩ Hoa tìm hiểu mọi thông tin về vi khuẩn tụ cầu vàng thông qua bài viết dưới đây, bạn nhé.

Vi khuẩn tụ cầu vàng là gì?

Vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn phổ biến sống trên da và niêm mạc hoặc niêm mạc mũi. Đây là loại vi khuẩn gram dương, có hình cầu và có xu hướng sắp xếp thành cụm được mô tả là “giống như quả nho”.

Staphylococcus aureus không gây nhiễm trùng trên da lành. Tuy nhiên, nếu tụ cầu vàng xâm nhập vào máu và các mô bên trong cơ thể (thông qua các vết xước, vết thương hở trên da), chúng có thể gây ra nhiều loại bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách. 

Phân loại vi khuẩn tụ cầu vàng

Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

Hiện nay, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn được chia thành 4 loại khác nhau dựa trên loại tụ cầu vàng gây bệnh, bao gồm: 

  • Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA): Việc sử dụng quá nhiều kháng sinh đã dẫn đến các chủng Staphylococcus aureus kháng thuốc kháng sinh.
  • Tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin (MSSA)
  • Tụ cầu vàng trung gian vancomycin (VISA)
  • Tụ cầu vàng kháng vancomycin (VRSA)

Trong đó, tình trạng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) phổ biến hơn cả. Mặc dù vậy, bất kỳ bệnh nhiễm trùng tụ cầu vàng nào cũng có thể nguy hiểm ngay cả khi nó không kháng thuốc kháng sinh.

Vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra những bệnh gì?

Tụ cầu vàng là mầm bệnh phổ biến gây ra các bệnh nhiễm trùng da, mô mềm, nhiễm trùng máu liên quan đến catheter mạch máu, xương, khớp, phổi và hệ thần kinh trung ương. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng đặc biệt nghiêm trọng vì tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng phức tạp liên quan cao, bao gồm cả viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. 

Nhìn chung, các bệnh nhiễm trùng thông thường do tụ cầu vàng gây ra bao gồm:

  • Nhiễm trùng da
  • Chốc lở (lở loét ở trường học)

Nhiễm trùng nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Viêm màng não
  • Viêm tĩnh mạch 
  • Viêm tủy xương (nhiễm trùng xương), có thể do vi khuẩn tụ cầu di chuyển trong máu hoặc tiếp xúc trực tiếp với tủy xương do chấn thương (vết thương do bị đâm ở chân hoặc lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV)
  • Viêm phổi, thường ảnh hưởng đến những người mắc bệnh phổi tiềm ẩn, bao gồm cả những người sử dụng máy thở
  • Viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng van tim), có thể dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ
  • Nhiễm trùng máu, xảy ra khi vi khuẩn lây lan vào máu
  • Viêm dạ dày ruột
  • Hội chứng sốc nhiễm độc
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gây ra những triệu chứng gì? 

triệu chứng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

Tùy thuộc vào chủng liên quan và vị trí nhiễm trùng, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm trùng xâm lấn hoặc các bệnh do độc tố gây ra. Các triệu chứng nhiễm khuẩn tụ cầu vàng rất khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng tụ cầu vàng.

Các triệu chứng lâm sàng và dấu hiệu thường gặp ở những trường hợp bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là:

  • Nổi nhọt
  • Áp xe trên da
  • Viêm nang lông
  • Mắc hội chứng bỏng da
  • Đóng vảy trên da
  • Viêm khớp: vận động kém, sưng khớp, nóng đỏ khớp
  • Nhiễm trùng một hoặc cả hai phổi
  • Có mủ màng phổi
  • Nhiễm trùng màng lót não
  • Nhiễm trùng xương và tủy xương
  • Nhiễm trùng tĩnh mạch
  • Nhiễm trùng van tim, sùi van tim
  • Ngộ độc thực phẩm: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn

Nguyên nhân và con đường lây lan của tụ cầu vàng

Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

Ở ngoài môi trường tự nhiên, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sinh sống và tăng trưởng trong môi trường mà lượng muối lên tới 10%. Những sinh vật này có thể phát triển hiếu khí hoặc yếm khí ở nhiệt độ từ 18-40 độ C.

Ở cơ thể người, những vi khuẩn này thường được tìm thấy trên da và niêm mạc mũi. Bên cạnh đó, nách, bẹn và các nếp gấp dưới da cũng là những nơi tụ cầu vàng thích trú ngụ. Có thể nói, con người là “ổ chứa” chính của vi khuẩn tụ cầu vàng, trong đó:

  • Khoảng 30% dân số có tụ cầu vàng sinh sống trong niêm mạc mũi. 
  • Khoảng 20% người khỏe mạnh là người mang vi khuẩn tụ cầu vàng dai dẳng và 60% là người mang mầm bệnh không liên tục.
  • Ước tính khoảng 50% số người trưởng thành mang khuẩn.

Trong hầu hết các trường hợp, tụ cầu vàng là vô hại, không gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tụ cầu vàng có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể gây nhiễm trùng nhiều cơ quan và dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da trực tiếp hoặc chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm. Do đó, thói quen vệ sinh cá nhân kém và không băng kín vết thương hở có thể dẫn đến nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. 

Những người có nguy cơ cao nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

những người có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tuy nhiên, có một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm:

  • Nhân viên y tế, những người làm việc trong bệnh viện
  • Bệnh nhân phải nhập viện, thường là do phẫu thuật hoặc các vết thương khác. Những bệnh nhân này có thể bị bệnh nặng nếu nhiễm tụ cầu vàng kháng lại việc điều trị bằng hầu hết các loại kháng sinh. 
  • Những người mắc bệnh mãn tính như:
    • Bệnh nhân bị đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc kiểm soát kém
    • Bệnh nhân ung thư
    • Người mắc bệnh mạch máu
    • Người bị bệnh chàm
    • Người mắc bệnh phổi
  • Những người tiêm chích ma túy
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu, rối loạn miễn dịch
  • Bệnh nhân lọc máu
  • Người đã thực hiện các thủ thuật y tế như phẫu thuật hoặc đặt ống thông
  • Bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU)
  • Người chạy thận nhân tạo

Có thể bạn chưa biết

Những bệnh nhân nhập viện bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy cơ tử vong trong bệnh viện cao gấp 5 lần so với bệnh nhân nội trú không bị nhiễm trùng này.

Chẩn đoán và điều trị 

Chẩn đoán

chẩn đoán nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

Để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, các bác sĩ thường:

  • Dựa trên yếu tố dịch tễ, đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm khuẩn tụ cầu
  • Đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng
  • Tìm hiểu bệnh sử 
  • Nuôi cấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng: Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô hoặc dịch của người bệnh để tìm dấu hiệu tụ cầu vàng. Mẫu bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy trong điều kiện thuận lợi để tụ cầu vàng phát triển trong phòng thí nghiệm vi sinh.
  • Xét nghiệm RT-PCR: Trong một số trường hợp, xét nghiệm RT-PCR đối với gen 16S rRNA có thể cần thiết.

Điều trị nhiễm trùng vi khuẩn tụ cầu vàng

Mặc dù tỷ lệ nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng đang gia tăng, nhưng các chất chống vi trùng mới, bao gồm daptomycin và linezolid, đã có sẵn để điều trị. 

Việc điều trị nhiễm trùng tụ cầu vàng phụ thuộc phần lớn vào loại nhiễm trùng cũng như sự hiện diện hay vắng mặt của các chủng kháng thuốc. Khi cần điều trị kháng sinh, thời gian và phương thức điều trị phần lớn phụ thuộc vào loại nhiễm trùng cũng như các yếu tố khác. 

Nhìn chung:

  • Thuốc kháng sinh penicillin vẫn là thuốc được lựa chọn để điều trị các chủng phân lập nhạy cảm (MSSA).
  • Thuốc kháng sinh vancomycin có thể được dùng để điều trị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).

Bên cạnh đó, việc điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể bao gồm:

  • Quản lý bù dịch đối với bệnh do độc tố
  • Loại bỏ các thiết bị hỗ trợ được gắn vào cơ thể đối với nhiễm trùng liên quan đến catheter…

Thực tế là tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm các biện pháp chữa trị phù hợp.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

phòng ngừa Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

Vì tụ cầu vàng rất dễ lây lan qua tay bị nhiễm bẩn nên cần thực hành vệ sinh nghiêm ngặt:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, nhất là sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chẳng hạn như lau bụi ẩm.
  • Băng bó các vết thương hở bằng băng không thấm nước cho đến khi vết thương lành.

Đối với những nhân viên bệnh viện, cần thực hành vệ sinh tiêu chuẩn, bao gồm:

  • Luôn rửa tay khi tay bị bẩn vì bất kỳ lý do gì
  • Dùng dung dịch rửa tay có chứa cồn trước và sau khi chăm sóc mỗi bệnh nhân, khi dọn giường…
  • Rửa tay sạch trước và sau khi thăm khám cho bệnh nhân
  • Đeo găng tay, khẩu trang, mặc đồ bảo hộ trong những trường hợp cần thiết
  • Vệ sinh sạch sẽ và xử lý nghiêm ngặt các thiết bị, vật dụng đã qua sử dụng
  • Cách ly người bệnh khi có yêu cầu
  • Vệ sinh kỹ lưỡng tất cả các bề mặt.

Đọc thêm

10 cách giúp bạn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về vi khuẩn tụ cầu vàng, từ đó có biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình hiệu quả.

 

Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.

Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com

Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Email
Phone
Zalo
Messenger
Tin nhắn
Điện thoại
Email
Zalo