1. Sơ lược viêm da cơ địa trẻ em
Viêm da cơ địa trẻ em còn gọi là chàm sữa. Bệnh không lây, cũng không quá nguy hiểm, tuy nhiên, lại không thể điều trị dứt điểm. Ngoài ra, trẻ bị viêm da cơ địa thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc khi bé tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, tâm lý cũng như khiến bé gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Viêm da cơ địa thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng sau.
- Trên mặt, tay, chân và vùng sau cổ nổi những nốt đỏ hoặc mảng đỏ, sờ vào thấy khô cứng, đóng vảy và bong tróc.
- Nếu bị trầy xước, vùng da bị tổn thương này có thể viêm nhiễm, chảy máu, rỉ dịch.
- Trẻ nhỏ ngứa ngáy, quấy khóc, ăn ngủ kém. Còn trẻ lớn có xu hướng dùng tay để chà, gãi vùng da bị sưng viêm.
Cơ địa mẫn cảm và dị ứng là nguyên nhân chính gây viêm da cơ địa trẻ em. Đặc biệt, bệnh có tính chất di truyền cũng như có sự liên quan mật thiết đến các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ bị viêm da cơ địa
2. Chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa trẻ em có thể thuyên giảm và khỏi khi bé lớn. Nhưng cũng có trường hợp bị tái phát ngay cả khi đã trưởng thành hoặc bệnh “biến mất” trong thời gian dài nhưng đột nhiên tái phát. Để kiểm soát bệnh cũng như hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, bạn cần thực hiện 5 nguyên tắc sau khi chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa.
Tắm bé đúng cách
Trẻ bị viêm da cơ địa cần được chú trọng vấn đề vệ sinh, tắm rửa. Nguyên nhân là do bụi bẩn, mồ hôi hay áo quần dơ sẽ làm triệu chứng bệnh thêm nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần chú ý tắm rửa cho bé mỗi ngày theo hướng dẫn sau.
- Dùng nước ấm khoảng 35 – 38 độ C để tắm bé. Không sử dụng nước nóng vì nước nóng khiến da bé bỏng rát, mất cân bằng độ ẩm, dẫn đến khô và ngứa.
- Dùng dầu gội và sữa tắm dịu nhẹ, lành tính. Không sử dụng các sản phẩm có hoạt chất tẩy rửa mạnh khiến da bị kích ứng, tổn thương.
- Thao tác tắm nhẹ nhàng, không chà xát mạnh tại vùng da bị tổn thương.
- Thời gian tắm khoảng 15 phút và thời điểm tắm là trước khi bé ngủ 1 giờ. Sau khi tắm xong, bé cảm thấy sạch sẽ, dễ chịu và ngủ ngon hơn.
Tắm bé bằng nước ấm và dùng sữa tắm dịu nhẹ
Dưỡng ẩm cho da
Khi chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa, bạn không được bỏ qua khâu dưỡng ẩm. Mục đích của việc này là cấp ẩm và làm dịu da, nhờ đó, thuyên giảm triệu chứng da khô rát, ngứa ngáy, bong tróc. Một số lưu ý khi dưỡng ẩm cho trẻ bị viêm da cơ địa bao gồm:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm có thành phần tự nhiên, an toàn, phù hợp với tình trạng da bé. Đặc biệt, sản phẩm không có mùi càng tốt để tránh làm bé dị ứng, hắt xì.
- Nên bôi kem dưỡng ẩm sau khi bé tắm. Lúc này, da bé vừa sạch sẽ, vừa thông thoáng nên hấp thụ kem dưỡng ẩm tối đa. Nếu bé có dùng thuốc thì bôi thuốc trước, bôi kem dưỡng ẩm sau.
- Hãy bôi kem lên toàn bộ cơ thể thay vì chỉ bôi ở phần da bị tổn thương. Số lần bôi có thể là 1 – 2 lần ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Nên bôi đều đặn mỗi ngày, kể cả khi triệu chứng viêm da cơ địa đã hết. Lúc này, kem dưỡng ẩm có tác dụng phòng chống khô da, hạn chế nguy cơ tái phát.
Bôi thuốc cho bé
Nhiều trường hợp viêm da cơ địa trẻ em bác sĩ sẽ cho dùng thuốc, thường là thuốc bôi. Thuốc bôi ở đây có thể là thuốc corticosteroid, thuốc kháng histamin hay thuốc kháng sinh có tác dụng chống viêm, giảm ngứa, ngăn bội nhiễm. Bạn cần tuân thủ liều dùng, cách dùng và thời gian dùng để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ. Ngoài ra, thuốc cần được bôi khi da bé sạch sẽ, không bị bết mồ hôi hay rỉ dịch, rỉ máu. Tốt nhất là bôi thuốc sau khi bé tắm và trước khi bôi kem dưỡng ẩm.
Bôi thuốc và kem dưỡng ẩm để làm dịu da bé
Kiểm soát tình trạng gãi ngứa
Viêm da cơ địa gây ngứa, và những trẻ lớn thường có xu hướng gãi để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, gãi sẽ làm da trầy xước, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì vậy, bạn hãy kiểm soát tình trạng gãi ngứa bằng những cách sau.
- Vệ sinh da, bôi thuốc và bôi kem dưỡng ẩm như hướng dẫn trên,
- Hướng sự tập trung của bé vào những món đồ chơi yêu thích hoặc cho bé xem ti vi để “tạm quên” cảm giác ngứa.
- Cắt ngắn móng tay của bé, hướng dẫn bé rửa tay thường xuyên để nếu bé gãi cũng hạn chế nhiễm trùng.
Chú ý dinh dưỡng và môi trường sống
Như đã nói, nguyên nhân chính gây viêm da cơ địa trẻ em là do cơ địa bé mẫn cảm. Vì vậy, bạn cần tránh sử dụng các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng, gây ngứa. Đối với trẻ bú mẹ, cho bé bú mẹ càng lâu càng tốt, và mẹ nên tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh để tạo nguồn sữa chất lượng cho bé. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn, hãy thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, làm sao để bé vừa được cung cấp đủ dưỡng chất, vừa tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm.
Song song đó, chú ý giữ gìn không gian sống, đảm bảo bé được sinh hoạt trong không gian sạch sẽ, thoáng đãng bằng cách:
- Tránh nuôi chó mèo, trồng hoa hoặc sử dụng các sản phẩm xịt thơm phòng để không làm bé kích ứng.
- Chăn ga gối nệm cần được giặt và thay thường xuyên.
- Máy điều hòa phải vệ sinh định kỳ để ngăn bụi bẩn tích tụ.
- Lau nhà và hút bụi mỗi ngày.
Dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày để không gian sống sạch sẽ
Trên đây là 5 nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa. Mọi thắc mắc về viêm da cơ địa trẻ em, bạn hãy đến phòng khám hoặc bệnh viện của Hệ thống y tế MEDLATEC để bác sĩ giải đáp cụ thể hơn. Để đăng ký thăm khám sức khỏe tại MEDLATEC, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56, Tổng đài viên sẽ hỗ trợ.
Các bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn online. Sau đó được các kiểm duyệt viên kiểm duyệt lại. Nếu có gì sai sót xin được nhận sự góp ý của mọi người.
Các nguồn tham khảo: dieutri.vn; pharmacity.vn; medlatec.vn; vinmec.com; hellobacsi.com
Các bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi người hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có thể xem xét phù hợp với thể trạng, cơ địa của bản thân.